NTL VIETNAM LOGISTICS AND SERVICES TRADING CO., LTD
  → 
 › 

​Lập cơ chế giám sát thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia triển khai đồng bộ

Lượt xem: 375
Cơ chế giám sát thực hiện đồng bộ, thường xuyên là động lực để các bộ, ngành đẩy nhanh hơn nữa các hoạt động cải cách hành chính. Để triển khai một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao liên quan đến vấn đề này, ngày 20/5, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã chủ trì buổi làm việc với đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự án USAID để thống nhất phương án và cách thức triển khai.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: N.Linh
Cơ chế một cửa đã rộng nhưng chưa sâu
Tại hội nghị giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây, Cơ chế một cửa quốc gia là vấn đề được đánh giá cao bởi những bước tiến đạt được trong năm qua, tuy nhiên, những vấn đề bất cập cũng được nhìn nhận. Cụ thể, hệ thống một cửa quốc gia chưa đồng bộ, khó khai thác, tốc độ truy cập vẫn chậm và chưa ổn định; các vướng mắc về quy trình xử lý nghiệp khai khai báo của các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ; kết quả xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước trên Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa kịp thời (89,1% thủ tục là tiếp nhận thông tin; số thủ tục thao tác trực tiếp chỉ chiếm 10,9%). Hiện tại Cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước…
Mới đây, tại Thông báo 105/TB-VPCP (ngày 22/3/2019) của Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp lần thứ tư của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại giao: Tổng cục Hải quan phối hợp với VCCI xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về báo cáo thường niên liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Triển khai chỉ đạo trên, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu bước đầu. Đến nay đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 173 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trên 2,1 triệu bộ hồ sơ và trên 29.000 DN tham gia. Tuy nhiên, để Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai sâu, rộng, mang lại lợi ích thiêt thực cho các bên tham gia cần phải nghiên cứu, đánh giá thực chất, cụ thể. Thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng là dịp để các cơ quan quản lý cùng rà soát, đánh giá hiệu quả. “Với việc Phó Thủ tướng giao Tổng cục Hải quan, VCCI xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ vừa là trách nhiệm, nhưng thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ đối với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cơ quan thường trực Ủy ban 1899; với VCCI là cơ quan đại diện quyền lợi cộng đồng DN”-Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.
Tạo động lực thúc đẩy các bộ, ngành
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, cuộc họp lần này để các đơn vị bàn thống nhất chủ trương, quan điểm, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện. Tổng cục Hải quan và VCCI sẽ hoàn chỉnh trương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thông báo 105 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời có kế hoạch thông tin tới các bộ, ngành để thấy rõ tinh thần triển khai chỉ đạo của Chính phủ.
Theo ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế VCCI, định hướng triển khai của Tổng cục Hải quan đúng mục tiêu là tăng cường chất lượng dịch vụ công, có sự đánh giá, phản hồi của người sử dụng. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, trong hoạt động thông quan hàng hóa, cơ quan Hải quan chỉ chiếm một khâu, phần còn lại liên quan đến nhiều bộ ngành; do vậy nếu có đánh giá khách quan, độc lập sẽ chỉ rõ điểm nghẽn ở đâu, qua đó tạo sức ép, thúc đẩy các bộ, ngành cùng cải cách. Đối với ngành Hải quan chắc chắn sẽ có thêm thông tin phục vụ hoạt động điều hành. Hơn ai hết, DN sẽ hiểu được tín hiệu, nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước để có trách nhiệm đóng góp, phản hồi.
Triển khai mục tiêu trên, Vụ trưởng Phó trưởng Ban Thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan Kim Long Biên cho biết, để thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá, Tổng cục Hải quan phối hợp với VCCI, USAID thống nhất phương pháp và cách thức triển khai; phân công nhiệm vụ giữa các bên liên quan; dự toán kinh phí thực hiện, các nội dung có liên quan.
Các nội dung đánh giá, giám sát dự kiến được triển khai gồm: Đo lường thời gian thông quan hải quan đối với hàng hóa XNK. Cụ thể, phương pháp đo sẽ thực hiện như phương pháp của Ngân hàng Thế giới để xác định thời gian thông quan hàng hóa.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan thực hiện đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của các bộ, ngành liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Cụ thể, các dữ liệu điện tử từ Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ được kết xuất để xác định thời gian thực hiện thủ tục hành chính của các bộ, ngành thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Tiếp đó, thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với việc thực hiện các dịch vụ công của các bộ, ngành, cơ quan liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Hoạt động đánh giá thực hiện qua khảo sát bằng bảng hỏi đối với DN được lựa chọn để đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
“Kết quả các hoạt động khảo sát sẽ được tổng kết, phát hành ấn phẩm, công bố báo cáo; đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai các năm tiếp theo”-ông Kim Long Biên cho biết.
Theo Báo Hải Quan Online
 

Typical customers

Hotline
Quý khách có nhu cầu vui lòng liên hệ