Đó là ý kiến của Tổng cục Hải quan đối với vướng mắc của một số cục hải quan tỉnh, thành phố về việc áp dụng chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá chưa hoàn thành thủ tục hải quan.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan nhận được phản ánh vướng mắc của một số cục hải quan tỉnh, thành phố về việc áp dụng chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá chưa hoàn thành thủ tục hải quan (chưa thông quan hoặc giải phóng hàng) bị cưỡng chế kê biên, bán đấu giá để đảm bảo nghĩa vụ về thuế của DN.
Theo Tổng cục Hải quan, Điều 92, 93 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nộp tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, trong đó có việc kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế tiền phạt.
Cũng tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 quy định thì tài sản không được kê biên bao gồm: Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do NSNN cấp cho cơ quan, tổ chức.
Điều 49 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định các loại tài sản không được kê biên khi cơ quan Hải quan cưỡng chế thi hành quyết định hành chính chính thuế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.
Điều 5 Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hàng hoá cấm XNK: 1. Hàng hoá cấm XNK thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và Danh mục hàng hoá cấm XNK quy định tại Phụ lục I Nghị định này. 2. Căn cứ Phụ lục I Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hoá cấm XNK kèm theo mã số hàng hoá trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh miucj hàng hoá và thống nhất với Bộ Tài chính về mã số hàng hoá. 3. Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho phép XK hàng hoá cấm XNK nhằm phục vụ mục đích đặc trưng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh”.
Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ các quy định nêu trên, việc cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản là hàng hoá NK chưa hoàn thành thủ tục hải quan để thu hồi tiền nợ thuế chỉ được áp dụng đối với hàng hoá không thuộc Danh mục hàng hoá cấm NK, trừ trường hợp có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép NK trước khi ban hành quyết định kê biên, bán đấu giá.
Trường hợp hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng NK phải kiểm tra chuyên ngành, cơ quan Hải quan có văn bản đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cho ý kiến về việc hàng hoá tại thời điểm bị kê biên, bán đấu giá có hay không đáp ứng các điều kiện về quản lý chuyên ngành để NK.
Theo đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, các cục hải quan tỉnh, thành phố trước khi kê biên, bán đấu giá hàng hoá NK chưa hoàn thành thủ tục hải quan phải thực hiện kiểm tra, rà soát để xác định hàng hoá không thuộc Danh mục hàng hoá cấm NK và đáp ứng các yêu cầu về quản lý chuyên ngành theo quy định tại thời điểm kê biên, bán đấu giá.
Đồng thời, khi kê biên, bán đấu giá tài sản, trường hợp hàng hoá chưa làm thủ tục giao nhận giữa người vận chuyển với người nhận hàng thì cơ quan Hải quan căn cứ vào hồ sơ do chủ hàng xuất trình như hợp đồng mua bán, hoá đơn thương mại, vận đơn đường biển hoặc các chứng từ tài liệu khác có liên quan (nếu có) để xác định chủ sở hữu hàng hoá.
Theo: Haiquanonline