Theo dự thảo Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu được phân loại vào 5 nhánh quy trình kiểm tra khác nhau theo hướng đơn giản dần dựa trên lịch sử hoạt động kiểm tra.
Thủ tục đơn giản dần dựa trên lịch sử5 nhánh quy trình gồm: Thứ nhất, hàng hóa có thông báo kết quả kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu NK do bộ ngành cấp (bộ ngành kiểm tra chất lượng hàng hóa trên cơ sở kết quả chứng nhận hợp quy); thứ hai, hàng hóa đã có chứng nhận hợp quy nhưng không có thông báo kết quả kiêm tra chất lượng của bộ ngành (cơ quan hải quan kiểm tra chất lượng hàng hóa trên cơ sở kết quả chứng nhận hợp quy); thứ ba, hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy; thứ tư, hàng hóa thuộc diện kiểm tra thông thường - kiểm tra hồ sơ (hàng hóa đã có ba lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương pháp kiểm tra chặt không phân biệt nhà nhập khẩu); thứ năm, hàng hóa thuộc diện kiểm tra giảm - kiểm tra hồ sơ tối đa 5% (hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương pháp kiểm tra thông thường theo từng nhà NK.
Nếu như quy trình thứ nhất sẽ giữ nguyên như hiện nay doanh nghiệp đang thực hiện thì từ quy trình tứ 2 đến thứ 5 các bước thủ tục được đơn giản dần dựa trên lịch sử hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm mà các bộ ngành, cơ quan Hải quan, tổ chức đánh giá sự phù hợp đã thực hiện đối với mặt hàng, quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Theo ban soạn thảo, lợi ích của mô hình mới sẽ đơn giản quy trình, cắt giảm các bước thủ tục so với quy trình hiện tại. Cụ thể, quy trình 2 cắt giảm được 2 bước thủ tục so với quy trình 1; quy trình 3 cắt giảm được 3 bước thủ tục trên tổng số 10 bước so với quy trình hiện tại.
Bên cạnh đó, nhiều thủ tục kiểm tra chất lượng theo mô hình mới được đơn giản hóa do nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu về mức độ tuân thủ pháp luật của người NK được tập trung vào một đầu mối là cơ quan Hải quan. Ví dụ, không phải làm thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng; khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người NK không phải làm thủ tục xin giấy xác nhận như hiện hành; giảm một loạt giấy tờ trùng lặp giữ hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng (như: Hợp đồng, hóa đơn thương mại, danh mục hàng hóa, vận đơn, chứng nhận xuất xứ…
Đặc biệt, mô hình mới cho phép doanh nghiệp chủ động lựa chọn quy trình kiểm tra chất lượng phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) về thời gian, chi phí thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu cho thấy những hiệu quả rõ rệt.
Chẳng hạn như trường hợp Công ty TNHH Minh Nhật, hiện tại tổng thời gian kiểm tra chất lượng mặt hàng “khí Gas (LPG)” thực hiện tại cơ quan kiểm tra chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là 10,5 ngày làm việc.
Theo mô hình mới thì tổng thời gian kiểm tra chất lượng mặt hàng trên thực hiện tại cơ quan Hải quan là 8,5 ngày làm việc. Thời gian cắt giảm so với mô hình hiện tại là 2 ngày (1 ngày cơ quan kiểm tra chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo kết quả kiểm tra chất lượng và 1 ngày doanh nghiệp nộp thông báo kết quả kiểm tra chất lượng cho cơ quan Hải quan).
Hay khảo sát tại Công ty TNHH Thang máy Thyssen Việt Nam cho thấy, hiện tại tổng thời gian kiểm tra chất lượng mặt hàng “Thang máy” thực hiện kiểm tra chất lượng tại cơ quan kiểm tra chất lượng thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là 6 ngày làm việc. Theo mô hình mới thì tổng thời gian kiểm tra chất lượng mặt hàng “Thang máy” thực hiện tại cơ quan Hải quan là 5 ngày làm việc. Thời gian cắt giảm so với thực hiện mô hình hiện tại là 1 ngày làm việc.
Như vậy, với việc triển khai kiểm tra chất lượng theo mô hình mới giúp doanh nghiệp giảm từ 1-2 ngày làm việc.
Cắt giảm dòng hàng phải kiểm traKhông chỉ đơn giản hóa, thống nhất quy trình, mô hình mới còn có điểm lợi ích nổi bật là áp dụng triệt để việc chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng. Theo đó chuyển đổi từ phương thức kiểm tra chặt sang phương thức kiểm tra thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ) áp dụng đối với hàng hóa do cùng một nhà sản xuất, có cùng xuất xứ, cùng tên gọi, mã số HS và giống nhau về mọi phương diện (như công dụng, nhãn hiệu, chủng loại, đặc tính kỹ thuật…) đã thực hiện công bố hợp chuẩn/hợp quy hoặc đã có bản tự công bố (đối với thực phẩm nhập khẩu) và có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt. Việc chuyển đổi phương thức này không phân biệt nhà nhập khẩu.
Mô hình mới cũng áp dụng chuyển đổi từ phương thức kiểm tra thông thường sang phương thức kiểm tra giảm áp dụng đối với hàng hóa do cùng một nhà sản xuất, có cùng xuất xứ, cùng tên gọi, mã số HS và giống nhau về mọi phương diện (như công dụng, nhãn hiệu, chủng loại, đặc tính kỹ thuật…) đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường theo từng nhà nhập khẩu.
Với cách áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra, ban soạn thảo đánh giá khi áp dụng mô hình mới thì nhiều mặt hàng sẽ có tỷ lệ cắt giảm số lượng dòng hàng phải kiểm tra lớn.
Đối với phương án kết hợp 3 tiêu chí mã số hàng hóa, tên hàng và nước xuất xứ thì đơn cử như “Các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim cán phẳng, có chiều rộng dưới 600mm, đã phủ, mạ hoặc tráng (mã số: 72122010) nếu áp dụng theo mô hình hiện tại phải kiểm tra 15.301 dòng hàng, nếu áp dụng theo mô hình mới sẽ cắt giảm được 12.360 dòng hàng phải kiểm tra, tỷ lệ cắt giảm là 80,78%.
Hay như mặt hàng phải kiểm tra an toàn thực phẩm là “Hạt điều đã bóc vỏ” (mã số: 09011110) nếu áp dụng theo mô hình hiện tại phải kiểm tra 1.171 dòng hàng, nếu áp dụng theo mô hình mới sẽ cắt giảm được 808 dòng hàng phải kiểm tra, có tỷ lệ cắt giảm là 69,00%.
Theo: Haiquan online