NTL VIETNAM LOGISTICS AND SERVICES TRADING CO., LTD
  → 
 › 

NHẬP KHẨU XE TẢI VAN DẠNG CBU VÀ CKD

Lượt xem: 572

Câu hỏi:

Chúng tôi dự định nhập khẩu xe tải van, nhập khẩu theo 2 dạng xe nguyên chiếc (CBU) và dạng đầy đủ các chi tiết lắp ráp (CKD) từ Trung Quốc. Mô tả loại xe: ô tô tải van loại 2 chỗ ngồi (ghế tài xế và ghế phụ), thùng kín có khoang chở hàng liền khối với khoang người ngồi, có bố trí cửa xếp, dỡ hàng ở phía sau và hai bên thành xe, có vách ngăn giữa khoang chở hàng và khoang người ngồi. Vậy xin tư vấn giúp thủ tục nhập khẩu loại xe này với 2 dạng CBU và CKD? Về mã HS code, thuế nhập khẩu là bao nhiêu % và có chịu thuế TTĐB hay không?

Trả lời:

1. Về thủ tục nhập khẩu:

1.1 Nhập khẩu ô tô van nguyên chiếc

Mặt hàng xe ô tô chở hàng đông lạnh thuộc nhóm 8704, hàng mới 100%, tay lái bên trái không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu  ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 nên công ty có thể nhập khẩu như hàng hoá thông thường theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính

Thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu thực hiện theo Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011, Thông tư số 55/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014 và Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 của Bộ Giao thông vận tải.

Thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thực hiện theo Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015.

1.2 Nhập khẩu linh kiện lắp ráp ô tô van

- Các mặt hàng linh kiện lắp ráp ô tô không thuộc trường hợp cấm xuất khẩu hay xuất khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ nên Công ty có thể nhập khẩu như hàng hóa thông thường khác.

Tuy nhiên, chỉ các trường hợp công ty tại Việt Nam có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô thì có thể nhập khẩu mặt hàng linh kiện ô tô (mới 100%)  theo điều 7 Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô:

Điều 7. Điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô

Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Cơ sở vật chất:

a) Doanh nghiệp phải có quyền sử dụng hợp pháp đối với nhà xưởng, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử ô tô đáp ứng các yêu cầu tối thiểu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.

2. Người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tối thiểu 05 năm.

3. Có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy.

5. Có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, khi nhập khẩu linh kiện Công ty nộp bản đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng có xác nhận của cơ quan kiểm tra cho cơ quan hải quan đối với các linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc phụ lục II – Danh mục sản phẩm hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn hợp quy ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BGTVT.

1.3 Về hồ sơ, thủ tục hải quan:

- Hồ sơ thủ tục nhập khẩu hàng hóa thực hiện theo quy định tại điều 16 và điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 và khoản 7 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018) của Bộ Tài chính.

2. Về thuế nhập khẩu, thuế TTĐB:

Do công ty không nêu rõ khối lượng toàn bộ theo thiết kế của xe ô tô chở hàng cần nhập nên Tổ tư vấn không thể trả lời chính xác thuế suất thuế nhập khẩu cụ thể.

Đề nghị công ty đối chiếu khối lượng toàn bộ theo thiết kế của xe ô tô chở hàng cần nhập với Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ để xác định chính xác thuế suất thuế nhập khẩu.

- Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

“Điều 2.  Đối tượng chịu thuế

1. Hàng hóa:

d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;”

Trong trường hợp xe được thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng thì thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tùy theo dung tích xi lanh sẽ có mức thuế suất từ 15% đến 25% (theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 106/2016/QH13 ngày 06/04/2016).

3. Về mã HS:

Công ty có thể tham khảo 06 (sáu) quy tắc phân loại tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 17/6/2017; Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính; Biểu thuế XNK ban hành kèm Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ và đối chiếu với hàng hoá nhập khẩu, vật liệu cấu thành để xác định mã HS.

Typical customers

Hotline
Quý khách có nhu cầu vui lòng liên hệ